Ngày 1/9, UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng và đối tác Nhật Bản về dự án thí điểm “Công nghệ sử dụng chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho nhà máy xi măng ở Việt Nam”.

Tham dự buổi làm việc có bà Đỗ Thị Tường Nga, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (đại diện Bộ Xây dựng); đại diện đối tác Nhật Bản có ngài Sakata, Giám đốc Marketing Công ty Kawasaki. Về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở: KH&ĐT, Xây dựng, Công Thương, TN&MT, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn.
Giới thiệu về dự án trên, đối tác Nhật Bản cho biết, công nghệ được sử dụng là hệ thống CKK, do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki nghiên cứu. Đặc trưng của công nghệ này là thiết lập đồng thời lò hoá hơi rác thải đô thị và nước thải tại các nhà máy xi măng hiện có, biến chất thải thành gas để sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu cho nhà máy xi măng.
Hệ thống CKK có thể giúp làm giảm chi phí thiết bị và kinh phí vận hành bằng cách thay thế các thiết bị cần thiết ở nhà máy xi măng trong công đoạn xử lý chất thải, chẳng hạn như thiết bị xử lý khí thải, thiết bị xử lý tro, thiết bị phát điện… Hệ thống CKK có tổng khối lượng xử lý chất thải 600 tấn/ngày. Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng gần 3,8 tỷ Yên, trong đó phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ 2,6 tỷ Yên.
Tại buổi làm việc, nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá cao những ưu điểm của dự án cũng như hệ thống CKK, trong đó nhấn mạnh hai ưu điểm nổi bật là thân thiện với môi trường và công suất xử lý chất thải. Xem xét tính khả thi của dự án khi thực hiện tại Hoà Bình, đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung: khả năng huy động vốn đối ứng, chi phí vận chuyển nếu đặt nhà máy tại khu vực Nam Lương Sơn, chi phí vận hành nhà máy, khả năng tập kết rác thải từ các khu vực lân cận, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt là nhu cầu ngày càng bức thiết của địa phương trong khi toàn tỉnh hiện chưa có nhà máy, cơ sở nào giải quyết được nhu cầu này. Chính vì vậy, dự án có những đặc điểm phù hợp để triển khai tại Hoà Bình. Tuy nhiên, địa phương cần có thêm thời gian để nghiên cứu và cụ thể hoá dự án. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục tìm hiểu, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án trình UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh sẽ đưa ra câu trả lời chính thức đến Bộ Xây dựng và phía đối tác Nhật Bản.
Quỳnh Trang (TH)