Hàng trăm công nhân, kỹ sư và các chuyên gia đã và đang miệt mài lao động trên công trường xây dựng nhà máy Xi măng Long Sơn, đem lại sinh khí mới cho một vùng đồi núi trầm mặc, yên tĩnh. Một công trình tầm cỡ đang thành hình, mang theo nhiều kỳ vọng để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, cũng như tô điểm thêm vào bức tranh công nghiệp của Thanh Hóa.
Nhà máy Xi măng Long Sơn có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng tại vùng đất đồi thuộc khu phố Trường Sơn, phường Đông Sơn từ tháng 6/2015. Được đầu tư bởi Công ty TNHH Long Sơn – một doanh nghiệp đến từ thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, nhà máy Xi măng Long Sơn được xây dựng trên khuôn viên 53 ha, sẽ vận hành sản xuất theo phương pháp lò quay khô... bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường.
Trên công trường thi công nhà máy vào những ngày tháng 4, không khí lao động hối hả, nhộn nhịp. Tiếng búa máy đóng cọc, tiếng máy móc xình xịch rộn ràng, hòa cùng tiếng nói cười râm ran của những công nhân lao động, đã xóa tan không gian yên tĩnh. Giai đoạn cao điểm có tới gần 1.000 lao động trên công trường, hiện tại chuyển sang giai đoạn lắp đặt thiết bị nên còn khoảng 500 người. Các nhà thầu thuê lao động địa phương nên giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động dân xã Hà Vinh (Hà Trung) và phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn)...
Trên công trường thi công nhà máy vào những ngày tháng 4, không khí lao động hối hả, nhộn nhịp. Tiếng búa máy đóng cọc, tiếng máy móc xình xịch rộn ràng, hòa cùng tiếng nói cười râm ran của những công nhân lao động, đã xóa tan không gian yên tĩnh. Giai đoạn cao điểm có tới gần 1.000 lao động trên công trường, hiện tại chuyển sang giai đoạn lắp đặt thiết bị nên còn khoảng 500 người. Các nhà thầu thuê lao động địa phương nên giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động dân xã Hà Vinh (Hà Trung) và phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn)...

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, ban quản lý dự án nhà máy cho biết, tiến độ và chất lượng là hai yếu tố được đặc biệt quan tâm. Trước 7 giờ sáng, các nhà thầu trong và ngoài nước đều phải triển khai lao động có mặt tại công trường. Để giám sát các tổng thầu, nhất là nhà thầu nước ngoài, chúng tôi phải liên tục nghiên cứu các tài liệu thiết kế của nhà máy, biện pháp thi công, lên các quy trình, kế hoạch giám sát, nghiệm thu. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ của các hạng mục công trình của nhà máy đều nhanh hơn dự kiến, tuy có nhiều thời điểm, thời tiết không thuận lợi.
Công nhân kỹ thuật Tô Hồng Sơn, quê tỉnh Ninh Bình, người gắn bó với công trình từ những ngày đầu, đã từng tham gia xây dựng nhiều nhà máy xi măng trong nước, nhưng môi trường làm việc tại nhà máy Xi măng Long Sơn khá an toàn. Quá trình làm việc, được tiếp xúc với các nhà thầu nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý nên anh em kỹ thuật chúng tôi cảm thấy hào hứng, càng thêm động lực làm việc.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án nhà máy khẳng định, công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và đi vào sản xuất vào tháng 10/2016. Hàng nghìn tấn thiết bị đã được nhập về, việc lắp đặt được thực hiện đồng thời tất cả các hạng mục đã biến khuôn viên nhà máy thành một đại công trường trong nhiều tháng qua. Nhiều hạng mục đã hoàn thành, như: trạm đập đá, kho đá vôi, kho nguyên liệu, kho sét, kho than, tháp trao đổi nhiệt, lò quay, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, các trạm định lượng nghiền xi măng...
Hiện phần xây dựng của công trình đã đạt gần 100% khối lượng, phần lắp đặt thiết bị cũng đạt khoảng hơn 60%. “Căn cứ thực tế, kế hoạch vận hành, đi vào sản xuất vào tháng 10 tới là hoàn toàn khả thi” – anh Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Công nghệ sản xuất xi măng tại dự án nhà máy Xi măng Long Sơn thuộc diện tiên tiến của khu vực châu Á với nhiều hệ thống thiết bị được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, như: hệ thống điện tự động, các máy kết lõi, máy cân, máy nghiền, máy làm lạnh... Là một trong những người đầu tiên đi khảo sát, cũng như phụ trách công việc liên quan đến việc xây dựng nhà máy ở Thanh Hóa, anh Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, ngay từ ban đầu, dự án đã gặp thuận lợi bởi bà con trong vùng rất ủng hộ dự án, hàng chục hộ dân sẵn sàng phá bỏ những diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả của gia đình mình vì sự phát triển của địa phương.
Chỉ 2,5 tháng dự án đã hoàn thành được việc họp với dân và trả xong tiền bồi thường để có mặt bằng sạch. UBND thị xã Bỉm Sơn cũng thành lập một tổ công tác để xác định nguồn gốc đất, giúp công ty giải phóng mặt bằng... Trong quá trình thi công nhà máy, dự án nhà máy Xi măng Long Sơn còn được động viên khích lệ bởi được sự quan tâm thăm hỏi, kiểm tra tiến độ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ban lãnh đạo Công ty tại Ninh Bình cũng đánh giá rất cao môi trường đầu tư cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Thanh Hóa.
Những đồi mía, bãi dứa ngày nào đã được thay thế bằng công trình nghìn tỷ đồng. Khi đi vào sản xuất, nhà máy sản xuất xi măng với công suất 6.000 tấn clinker/ngày (tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm) này sẽ giải quyết việc làm ổn định và thu nhập cho khoảng 300 lao động, trong đó đa phần là người địa phương.
Quỳnh Trang (TH/ Báo Thanh Hóa)