(ximang.vn) Năm 2010 cả nước mới chỉ sử dụng khoảng 5 - 8% vật liệu xây không nung
trong tổng số vật liệu xây. Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 567 ngày 28/ 4/2010
của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các mục tiêu cơ bản.
Vào năm 2015 tỷ trọng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây là 20 - 25% và năm 2020 tỷ trọng đó là 30 - 40%. Riêng vật liệu xây không nung loại nhẹ vào năm 2015 chiếm khoảng 21% và năm 2020 khoảng 25% trong tổng số vật liệu xây không nung. Hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp ( tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất vật liệu xây không nung. Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến.
Trong nỗ lực thúc đẩy việc phát triển vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật, các hướng dẫn làm cơ sở cho việc sử dụng vật liệu xây không nung như Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm vật liệu xây không nung; Công bố định mức dự toán liên quan đến công tác xây sử dụng vật liệu xây không nung; Bộ Xây dựng ban hành Chỉ dẫn ký thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp”; và Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
Thông tư 09 quy định cụ thể, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình “Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% loại vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%”.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Việc phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn quốc đã đầu tư:
Về gạch xi măng cốt liệu có tổng công suất khoảng 5,1 tỷ viên QTC, tương đương khoảng hơn 1.500 dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/ năm và khoảng trên 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất từ 7 - 40 triệu viên/ năm, đặc biệt có Công ty đã đầu tư tới 3 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 180 triệu viên/năm.
Về gạch bê tông khí chưng áp (AAC) có 12 dự án, tổng công suất 2 triệu m3 tương đương 1,2 tỷ viên QTC/ năm đã đi vào sản xuất. Các dây chuyền đã đầu tư có công suất phổ biến từ 100.000 - 200.000 m3/ năm, cá biệt có dự án đầu tư dây chuyền công suất 300.000 m3/ năm.
Tổng công suất đầu tư vào 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt) đạt trên 6,31 tỷ viên QTC/ năm. Như vậy nói về công suất hiện có chúng ta có thể đáp ứng 28 - 29% tổng số nhu cầu vật liệu xây. Về chủng loại, gạch xi măng cốt liệu đang chiếm khoảng trên 80%, gạch nhẹ mới khoảng gần 20% so với tổng số gạch xây không nung.
Về thực tế sử dụng, năm 2014 cả nước đã sử dụng tổng cộng 22 tỷ viên gạch xây QTC, trong đó có 17,7 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung và 4,3 tỷ viên QTC là vật liệu xây không nung. Với tỷ lệ xấp xỉ 20% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây được sử dụng trên toàn quốc.
Năm 2015, cả nước đã sử dụng ước khoảng 22,85 tỷ viên QTC, trong đó 17,5 tỷ viên QTC là gạch đất sét nung và 5,33 tỷ viên QTC là vật liệu xây không nung. Vật liệu xây không nung chiếm tỷ trọng trên 23% trong tổng số vật liệu xây. Như mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã đạt về tỷ lệ chung (20 -25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020).
Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chưa tạm hài lòng vì đây là vấn đề liên quan đến bảo vệ tài nguyên không thể tái tạo và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Vì vậy các biện pháp nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung càng phải đẩy mạnh. Trong sử dụng vật liệu xây không nung, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung loại nhẹ đang quá thấp so với mục tiêu (chỉ khoảng trên 11% trong vật liệu xây không nung), đây cũng là một kết quả hạn chế trong việc thực hiện Chương trình.
Những con số, những chuyển biến bước đầu về nhận thức là kết quả 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung, đã khẳng định phát triển vật liệu xây không nung nhằm thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng đắn. Hầu hết các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình 567, các cấp chính quyền của các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, tăng cường chỉ đạo, khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung. Đặc biệt tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Các nhà đầu tư, nhà thầu, đặc biệt là các kiến trúc sư, các nhà tư vấn đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo để tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.
Quỳnh Trang (TH)