Bê tông khí chưng áp hay còn gọi là ACC, là một loại vật liệu siêu nhẹ,
kết cấu bê tông với đa số các bọt khí nhỏ. Từ năm 2008, Việt Nam đã bắt
đầu nhập khẩu sử dụng bê tông khí chưng áp, sản phẩm này được sản xuất
bằng công nghệ khí chưng áp không ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp ACC
lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhà máy sản xuất gạch block bê tông khí chưng áp của Công ty CP Sông Đà.
Bê tông khí chưng áp (AAC) là vật liệu xây dựng có nhiều tính năng ưu việt. Do đó đã được nghiên cứu, sản xuất và sử dụng ở nhiều nước trên thế giới cách đây gần một thế kỷ, hiện nay đã đạt đến mức độ thành thạo và phổ biến với nhiều dạng sản phẩm, cho nhiều mục đích khác nhau (kết cấu tường, kết cấu sàn, kết cấu mái; cách nhiệt, cách âm...).
Ở Việt Nam, AAC mới được bắt đầu sản xuất, sử dụng từ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI và chủ yếu chỉ có dạng block để xây tường, một số nhà máy sản xuất sản phẩm tấm (panel) AAC đã được thị trường chấp nhận, nhưng khối lượng chưa lớn. Đến nay đã có 12 nhà máy đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế 1,95 triệu m³/năm (tương đương 1.365 triệu viên gạch QTC/năm). Tuy nhiên việc sản xuất và sử dụng sản phẩm AAC hiện còn rất khó khăn và nhiều thách thức.
Về đầu tư, sản xuất AAC
Năm 2009, công ty CP VLXD Vinh Đức thuộc Tập đoàn Thái Thịnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuât AAC đầu tiên ở Việt Nam tại Bảo Lộc, Lâm Đồng với công suất 100 nghìn m³/năm; do công ty Dong Yue, Sơn Dong (ShanDong Dongyue Building Machine Co.,LTD), Trung Quốc cung cấp thiết bị và hướng dẫn công nghệ, đầu năm 2010 nhà máy bắt đầu sản xuất.
Năm 2010,công ty CP Gạch khốiTân Kỷ Nguyên , đưa vào vận hành nhà máy thứ hai tại Long An, với công suất 150 nghìn m³/năm; do công ty Teeyer (Jiangsu Teeyer Engineering Machinery Co LTD), Trung Quốc cung cấp thiết bị.
Sau khi có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010, hàng chục dự án đầu tư sản xuất AAC đã được lập; nhưng đến nay chỉ có 12 nhà máy sản xuất AAC đã đươc xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1,95 triệu m³/năm. Danh mục các nhà máy AAC được trình bày ở Bảng 1.
Các nhà máy AAC đã đưa vào vận hành phần lớn tập trung ở phía Bắc; có quy mô công suất nhỏ và vừa (100÷300 nghìn m³/năm); đều nhập thiết bị đồng bộ từ Trung Quốc (các nhà cung cấp chính: ShanDong Dongzue Building Machie Co., LTD, Jiangsu Teeyer Engineering Machinery Co.,LTD).
Việc đầu tư sản xuất AAC ở Việt Nam ở giai đoạn đầu phát triển nóng trong khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết; đo đó các dây chuyền được đầu tư sản xuất theo quy trình công nghệ phổ biến hiện nay trên thế giới; nhưng với trình độ công nghệ và thiết bị ở mức trung bình, thiếu đồng bộ, mức độ tự động hóa chưa cao.
Bảng 1: Danh mục các nhà máy AAC đã đưa vào vận hành
TT | Doanh nghiệp | Địa chỉ | Dây chuyền | Công suất (103m3/tr.viên) | Nhà cung cấp thiết bị |
1 | Cty Vĩnh Đức(1) | Lâm Đồng | 1 | 100/70 | Dongyue B.M.Co.,LTD |
2 | Cty E-Block | Long An | 1 | 150/105 | Teeyer E.M.Co.,LTD |
3 | Cty AAC Viglacera | Bắc Ninh | 1 | 200/140 | Cty TNHH Hồ Nam |
4 | Cty Vương Hải | Đồng Nai | 1 | 100/70 | Dongyue B.M.Co.,LTD |
5 | Cty Vinema | Hà Nam | 1 | 100/70 | Dongyue B.M.Co.,LTD |
6 | Cty S.Đà Cao Cường | Hải Dương | 1 | 200/140 | Teeyer E.M.Co.,LTD |
7 | Cty Phúc Sơn | Hòa Bình | 1 | 150/105 | Dongyue B.M.Co.,LTD |
8 | Cty An Thái | Phú Thọ | 1 | 300/210 | Cty TNHH máy Tianjin (TH) |
9 | Cty Trường Hải | Hải Dương | 1 | 200/140 | Cty CKCX Hà Nam |
10 | Cty UDIC K.Bình | Hà Nam | 1 | 100/70 | Teeyer E.M.Co.,LTD |
11 | Cty CP T&T | Bắc Ninh | 1 | 150/105 | Dongyue B.M.Co.,LTD |
12 | Cty S.Đáy Hồng Hà | Bắc Ninh | 1 | 200/140 | Tahua Machinery Co.,LTD |
13 | Cty CP Hưng Khang | Bình Dương | 1 | 100/70 | Dongyue B.M.Co.,LTD(1) |
Tổng | 1.950/1.365 |
Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu cho sản xuất không ổn định; nên chưa sản xuất được sản phẩm chất lượng cao như ý muốn. Các nhà máy sản xuất chủ yếu sản phẩm cấp B4 ((RN = 5,0 MPa, KLTT = 551 – 850 kg/m³) hoặc B3 (RN = 3,5 MPa, KLTT = 451 – 650 kg/m³). Chất lượng sản phẩm cơ bản đạt yêu cầu theo TCVN 7959:2011, nhưng ở mức thấp – hệ số chất lượng AAC , tính theo công thức A = RN /0,016 x (KLTT)² của một số hãng như sau: Wehrhahn = 1050, Hebel (Italia) = 880, Xela (Thượng Hải) = 854, V-Block = 826, E-Block = 779, An Thái = 779, Viglacera = 616, Sông Đáy - Hồng Hà = 583, Sông Đà - Cao Cường = 581...
Độ ổn định chất lượng sản phẩm chưa cao; kết quả thử nghiệm của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng cho thấy độ đồng nhất không cao, 9/267 mẫu có độ giao động cường độ (15÷33) %.
Từ năm 2011 đến nay do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thị tường nội địa vật liệu xây dựng nói chung và AAC nói riêng ngày càng bị thu hẹp; nên tổng sản lượng AAC của các nhà máy cho đến cuối tháng 12/2014 chỉ đạt khoảng 0,853 triệu m³. Cụ thê sản lượng và số lượng tiêu thụ AAC hàng năm xem Bảng 2.
Số liệu nêu trong Bảng 2 và kết quả khảo sát thực tế cho thấy năm 2014 chỉ có ba nhà máy khai thác được trên 50 % công suất đã lắp đặt (E-Block, Vương Hải, Viglacera); 04 nhà máy sản xuất theo đơn đặt hàng, khai thác được 2,5 – 10 % công suất đã lắp đặt; năm nhà máy không sản xuất mà chỉ tiêu thụ hàng tồn kho, trong đó dây chuyền của Công ty CP Vĩnh Đức ở Lâm Đồng đã bán cho Công ty CP Hưng Khang chuyển về lắp đặt ở huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương, đưa vào sản xuất trong tháng 6/2014. Do thị trường trong nước còn hạn chế, các đơn vị mở hướng xuất khẩu, năm 2013 có 4 dơn vị đã xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài; trong đó Tân Kỷ Nguyên và Vương Hải xuất khẩu đến 70 - 80 % sản lượng; thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Đài Loan, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Malaysia,…
Bảng 2: Tình hình sản xuất và tiêu thụ AAC đến năm 2014
(ĐVT:1.000m3)
Năm | Tổng CSTK | Sản lượng | Tiêu thụ nội địa | Xuất khẩu | Tồn kho |
2010 | 700 | 37/(6,2) | 14 | 0 | 23 |
2011 | 1.300 | 131/(10,9) | 92 | 1 | 61 |
2012 | 1.500 | 165/(11,0) | 121 | 70 | 35 |
2013 | 1.950 | 220/(12,6) | 133 | 107 | 15 |
2014 | 1.950 | 300/(15,4) | 191 | 116 | 8 |
Tổng | 1.950 | 853 | 551 | 294 | 8 |
Trong ngoặc (.) là tỷ lệ sản lượng so với tổng công suất đã lắp đặt của từng năm tính theo %
Nhìn chung việc tiêu thụ sản phẩm AAC ở nước ta hiện nay vẫn còn rất khó khăn, do đó một số nhà máy dừng hoạt động, một số dự án đầu tư dở cũng đang tạm dừng.
Về sử dụng AAC trong xây dựng ở Việt Nam
Trên thế giới AAC được sử dụng trong xây dựng rất đa dạng: khối xây (block), tấm (panel); kết cấu chịu lực, kết cấu không chịu lực, kết cấu cách nhiệt, cách âm; các bộ phận khác nhau của công trình (tường bao che, tường ngăn, tấm sàn, tấm mái)...
Ở Việt Nam năm 2008, sản phẩm AAC cúa Công ty Q - CON Thái Lan sản xuất, được nhập vào sử dụng ở Việt Nam, trên cơ sở đó đã nghiên cứu xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về AAC, TCVN 7959:2008 - Block bê tông khí chưng áp.
Hiện nay sản phẩm AAC chủ yếu là khối xây (Block); sử dụng để xây tường bao che và tường ngăn không chịu lực cho các công trình xây dựng (nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, nhà công nghiệp...). Từ khi được sản xuất ở Việt Nam đến nay, AAC đã được sử dụng trong hàng trăm công trình xây dựng lớn, nhỏ. Có thể nêu một số công trình, dự án cụ thể:
- Indochina Hanoi Plaza - 293 Xuân Thủy Hà Nội, chủ đầu tư Indochina Land (Singapore). Dự án có tổng diện tích xây dựng 60.208 m², gồm 1 tòa nhà văn phòng 16 tầng, 2 tòa nhà chung cư căn hộ cao cấp 32 và 36 tầng;
- Tòa nhà 27 tầng Tổ hợp chung cư và DVTM Ocean View Manor tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là dự án 27 tầng sử dụng 100% gạch AAC, tổng khối lượng xây tường và vách ngăn là 6.000 m3 gạch, sử dụng cả 2 lọai sản phẩm AAC là : tấm LC panel và gạch V-block;
- Nhà Quốc hội – Ba Đình, Hà Nội sử dụng các tấm LC- panel của công ty Vương Hải.
- Công trình Nhà máy pin năng lượng mặt trời First Solar (Mỹ) tại KCN Đông Nam - Củ Chi – TP Hồ Chí Minh: Công trình sử dụng khối lượng lớn gạch AAC (20.000 m3) để xây toàn bộ tường bao và tường ngăn;
- Khu nhà ở CNCNV PVC-IC. Khu nhà ở CNCNV PVC-IC tọa lạc ở 242 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 318 tỷ đồng;
- Khu nhà ở thu nhập thấp Thiên Nam - Bình Dương. Với thiết kế sử dụng chiều dày gạch là 16 cm thay vì 20 cm, kích cở gạch giảm và bù trừ với lớp tô 2 mặt làm giảm 20% giá trị gạch xây;
- Khách Sạn 5 sao Pullman Saigon Centre. Khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, Pullman Saigon Centre bao gồm3 tầng hầm và 24 tầng cao, với những yêu cầu khắt khe về khả năng cách âm, cách nhiệt chống cháy cũng như cường độ khối xây. Gạch AAC là sự lựa chọn phù hợp nhất cho các tính năng trên;
- Công trình chung cư Võ Đình. Tọa lạc tại TA15, đường Lê Văn Khương, P. Thới An, Quận 12 TP Hồ Chí Minh với chiều cao 15 tầng, sử dụng AAC cho phương án vách ngăn nhằm giảm tải trọng công trình;
- Công trình Cao Ốc Đại Thành. Cao ốc Đại Thành diện tich xây dựng 2.092 m2, gồm 2 block cao 18 tầng, 1 lửng và 2 tầng hầm. Sử dụng AAC vừa tiết giảm kết cấu vừa mang hiệu quả thi công nhanh;
- Công Trình nhà ở CBCNV Bộ tư lệnh Bộ đội Biên Phòng. Nằm trên trục đường Nguyễn Văn Công, gồm 2 khối nhà với 408 căn hộ và tổng diện tích sàn hơn 46.000 m2. Mỗi khối nhà cao 14 tầng, sử dụng AAC xây toàn bộ tường bao che và tường ngăn;
- Cao Ốc Văn Phòng Nguyễn Lâm: Tọa lạc tại Số 133 Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh với hơn 9000 m2 sàn xây dựng sử dụng hoàn toàn gạch AAC;
Ngoài ra AAC còn được sử dụng để xây hàng trăm công trình khác trên khắp cả nước. Việc thi công các công trình có sử dụng AAC thực hiện theo “Chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiêm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp” do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 974/QĐ-BXD ngảy 31/10/2011. Các công trình sử dụng AAC khi thi công thực hiện đúng các yêu cầu theo Chỉ dẫn số: 974/QĐ-BXD, chất lượng tường xây đảm bảo; tuy nhiên thời gian đầu một số nhà máy sản xuất và đơn vị thi công chưa tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các điều quy định nên tường xây ở một số công trình bị nứt, phải xử lý gây tâm lý hoài nghi cho người sử dụng AAC.
Trong số 60 công trình sử dụng AAC được khảo sát có 6 công trình (10% số công trình được khảo sát) có hiện tượng tường bị nứt. Kết quả này cho thấy, sau nhiều năm triển khai, khuyến khích sản xuất và sử dụng loại vật liệu mới này tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
TS. Thái Duy Sâm (TTK Hội VLXD Việt Nam)