Từ tháng 5 đến nay tình hình tiêu thụ xi măng trong nước bắt đầu bị ảnh hưởng vì áp dụng giãn cách xã hội tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Bên cạnh đó, xuất khẩu xi măng, clinker cũng đã sụt giảm hơn so với những tháng đầu năm khi các cảng biển trên Thế giới đều giảm tải vì dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các cảng của Trung Quốc nên đối tác dù muốn nhập cũng không nhập được, cùng với chi phí vận tải tăng đã khiến sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng giảm đáng kể.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu xi măng, clinker nửa đầu năm tăng cao so với cùng kỳ là nhờ vào mức tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 4 là những tháng trước dịch đợt dịch tái bùng phát. Tuy nhiên, dịch bệnh lại tái bùng phát từ cuối tháng 4, hàng loạt các dự án xây dựng trên địa bàn hai thành phố Hà Nội và TP.HCM đều tạm thời dừng thi công khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính từ đầu năm đến 15/7 xuất khẩu xi măng và clinker đạt hơn 22.600 tấn, trị giá hơn 878,6 triệu USD, tăng lần lượt 26% về lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trị giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 38,8 USD/tấn, tăng nhẹ 3,4% trong khi cùng kỳ 2020 là 37,5 USD/tấn. Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất nước ta với 10,3 triệu tấn, trị giá hơn 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% về lượng và 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước.

Có thể thấy hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đang có sự tăng trưởng cao. Điều này cũng đã được thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Điển hình như Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 4.001 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 7%. Với kết quả này, Xi măng Hà Tiên 1 đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021.
Hay với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 59,8% và vượt trên 13% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Công ty Cổ phần Vicem Thạch cao Xi măng (Mã: TXM) cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 100 tỷ đồng, và giảm lỗ một nửa, chỉ còn lỗ hơn 900 triệu đồng, trong khi năm ngoái lỗ 1,8 tỷ đồng.
Cũng theo ông Cung, thị trường tiêu thụ gần như không thay đổi, ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn, tuy nhiên nhờ sức cạnh tranh của xi măng, clinker Việt Nam, có thể kể đến như lợi thế về đường biển đã giúp mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu. Lượng lớn xi măng, clinker Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc, thị trường này không thiếu nguồn cung nhưng nếu các nhà sản xuất tự vận chuyển đến các vùng ven biển sẽ rất xa trong khi nếu vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam thì gần hơn, nên đây là lợi thế để xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc.
Chủ tịch VNCA nhận định tình hình tiêu thụ nội địa và xuất khẩu xi măng, clinker trong tháng 7, tháng 8 chắc chắn sẽ càng khó khăn trong bối cảnh các thị trường lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội đang áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
ximang.vn (TH)